NGŨ GIỚI

NGƯỜI KHÔNG CÓ GIỚI CÓ NĂM ĐIỀU NGUY HẠI:

1. Không có kiểm soát được tài sản.
Khi sống không đức hạnh sẽ dễ dàng dính vào nghiện ngập, chơi với bạn xấu, dây dưa thù oán, dính vào pháp luật, làm cho mình hao tiền tốn của.
2. Dính với tai tiếng.
Không có giới hạnh, nhân cách của mình có vấn đề, khi mà có xảy ra chuyện gì là người ta nghĩ đến mình trước. Ở Mỹ bây giờ có bạo lực khủng bố thì đầu tiên FBI rà những người có tên trong sổ bìa đen. Họ rà những người đạo Hồi, hoặc những người từng phát biểu quá khích, cực đoan… Vì đó là những nhân tuyển thích hợp nhất cho họ chỉa mũi dùi.
3. Thiếu tự tin khi vào đám đông.
Không có giới hạnh thì mình vào giữa đám đông không có tự tin, thấy người ta xầm xì thì nghĩ người ta nói mình. Nếu mình quang minh lỗi lạc thì mình không có ngại.
4. Phút cận tử dễ bị hoảng loạn.
Giây phút cận tử là giây phút người ta minh triết nhất, trưởng thành nhất trong đời người, trừ giây phút bất đắc kỳ tử như máy bay rớt hay tai nạn xe bất ngờ… Nếu có thời gian để biết rõ mình đang chết thì những người có đức hạnh sẽ có niềm tin thế này: Tôi có đời sống đàng hoàng, nếu có bề gì thì có lẽ tới chỗ không có tệ, còn những người cả đời sống không đạo đức, không hàm dưỡng, sống bạt mạng, không coi Chúa Phật ra gì thì lúc cận tử thì phải nghĩ lại, nếu như chuyện luân hồi báo ứng có thật thì mình đi về đâu. Những người này dễ hoảng loạn lúc cận tử.
5. Sanh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Tàu có câu: “Ngũ giới bất trì nhân thiên lộ triệt”. Năm giới không giữ thì đường về Trời, Người bị đóng.

LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI CÓ GIỚI HẠNH:
1. Kiểm soát được tài sản.
2. Không lo bị tai tiếng.
3. Tự tin khi bước vào đám đông.
4. Lâm chung với sự yên lòng.
5. Khả năng sanh về lạc cảnh rất cao.

Trong Kinh Tăng Chi Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, ai cho rằng người làm thiện sau khi chết chắc chắn sinh về hai cõi Trời Người, ta cho đó là một thứ tà kiến. Ai cho rằng một người làm ác sau khi chết chắc chắn sẽ bị sa đọa bốn đường khổ, ta cũng cho đó là một thứ tà kiến.” Tại sao có đoạn kinh lạ lùng này?
Thứ nhất: Đức Phật từng dạy rằng: Một muỗng muối bỏ vào chén nước hay thả xuống dòng sông sẽ cho ra kết quả khác nhau. Chén nước quá nhỏ so với muỗng muối, muỗng muối thì quá nhỏ so với một khúc sông. Người quá nhiều phước báu thì một đời sống bất thiện cũng không đủ để họ đi xuống. Còn người có quá nhiều nghiệp xấu trong tiền kiếp thì kiếp này dù tu hành một đời cũng không đủ gỡ lại những tội lỗi của nhiều kiếp về trước.
Thứ hai: Cái gì ở đời này cũng cần đến một thời điểm thích hợp. Lúa 3 tháng khác với lúa 6 tháng. Thời gian ra trái ra hoa của các giống cây luôn khác nhau. Tôi, người đang hầu chuyện, mười năm về trước tôi là anh nhà quê rất siêng năng, tôi trồng trong mảnh đất của tôi là 50 gốc sầu riêng, 20 gốc măng cụt, 70 gốc nhãn...v.v. Trồng xong, sau đó tôi chơi với bạn xấu, hoặc vì lý do sức khỏe, tôi không chăm sóc vườn cây nữa, tôi chỉ ăn chơi, la cà hàng xóm và nhiều chuyện. Mười năm trôi qua, năm nay tôi bắt đầu thu hoạch. Tôi bán sầu riêng, tôi bán măng cụt dù mấy năm nay tôi chỉ chơi. Quí vị thì cách đây mười năm chỉ trồng ớt cà. Quí vị quá sức siêng, là những nông dân gương mẫu lao động tiên tiến, nhưng trong vườn của quí vị hiện giờ không có cây nào ra trái hết. Siêng thì có siêng nhưng những cây trái quí vị trồng khác với cây của tôi. Hôm nay chúng ta thấy một người dễ thương, tính tình ngoan hiền dễ mến mà cứ gặp hết nạn này đến nạn khác, bởi vì ngay lúc này cỏ dại trong đất của họ đang sinh sôi phát triển, chôm chôm măng cụt họ trồng chưa tới đâu. Còn những người bây giờ mình thấy họ cùng hung cực ác, đâm cha chém chú mà làm ăn phất lên ào ào vì quả xưa đã đến lúc trổ nên họ hưởng.

Sư Giác Nguyên giảng
(Kinh Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)

TẢN MẠN TÂM TƯ