CÂY BỒ ĐỀ ĀNANDA

Ngài Ānanda là vị đầu tiên nghĩ đến biểu tượng của Phật bảo.
Thế Tôn có 45 năm trụ thế độ sinh kể từ sau khi ngài thành đạo, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng ở chùa Kỳ Viên. Nhiều khi Ngài đi hoằng pháp ở xa, nhiều người nhớ Phật, thương Phật, muốn gặp Ngài, muốn lễ bái, cũng khó và thiệt thòi. Vì vậy ngài Ānanda có lần vào thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn, những khi Thế Tôn đi hoằng pháp ở xa, hàng tứ chúng kính nhớ tiếc thương thì phải làm sao?”
Đức Phật dạy: Này Ānanda, cội bồ đề ta đã ngồi thành đạo cùng xuất hiện chung một ngày với thái tử Tất Đạt, cùng một tuổi với Ānanda, chính ở gốc bồ đề đó Như Lai đã chứng đạt quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, từ ấy trở đi Như Lai là đấng Như Lai, đấng Phật đà, Thiện Thệ, Tứ sanh từ phụ, Thiên nhân chi đạo sư. Vì vậy gốc bồ đề đó là một thánh tích quan trọng, ngay khi Như Lai tại tiền còn đang trụ thế, hàng tứ chúng có thể lễ bái cội bồ đề như nhìn thấy ta vậy.
Ngài Ānanda nói: Như vậy thì chúng con xin phép trồng một cây tại chùa Kỳ Viên.
Nói vậy xong ngài vào thưa với ngài Mục Kiền Liên: Thưa tôn giả, đệ đã xin như vậy rồi, xin tôn giả hỗ trợ cho.
Chỗ này hơi phong thần một chút, tôi nói theo kinh, quí vị tin hay không thì tùy. Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông đến cội bồ đề, ngài chờ cơn gió thổi qua, hạt bồ đề viên mãn sung sức nhất chín muồi vừa rơi xuống thì ngài lấy y hứng, không để hạt bồ đề chạm đất. Ngài đem về trồng. Rồi ngài đưa cho ngài Ānanda, vua và các cư sĩ tưới tẩm, một thời gian sau cây bồ đề đó lớn lên xum xuê cành lá. Chúng ta cũng biết rằng, rất nhiều người đời sau chiết nhánh từ cây bồ đề mẹ đó. Cho nên chúng ta có hai cây bồ đề mẹ, đó là cây bồ đề Thế Tôn đã ngồi thành đạo, 49 ngày nhập định, và cây bồ đề thứ hai được trồng ngay thời Thế Tôn còn trụ thế và với sự hỗ trợ của hai vị tôn giả lừng danh đáng kính, đó là ngài Mục Kiền Liên và ngài Ānanda. Từ đó trong lịch sử PG chúng ta có thêm cây bồ đề thứ hai nổi tiếng không kém, cây bồ đề này có tên là Bồ đề Ānanda.

Sư Giác Nguyên (giảng)
[Những bài giảng Kinh Tăng Chi, tập I]

TẢN MẠN TÂM TƯ