TÂM NÀY LÀ BẢN LAI THANH TỊNH?

Xin thưa với bà con, đã có hơn một tỷ người gồm Tàu, Việt hiểu lầm cái đoạn này (hình khoanh màu đỏ) vì không chịu đọc chú giải, không học A-tỳ-đàm. Cứ là theo mấy ông Tàu, chủ trương “tâm này bản lai là thanh tịnh” rồi do “trần cấu bên ngoài” mà ô nhiễm. Nghe nói cứ y như trong kinh nhưng lại hiểu theo kiểu: “tâm này bản chất là trong sáng tròn đầy rỗng rang chẳng qua do chúng ta tập khí sinh tử nhiều đời không tu tập không niệm không định không trí nên viên ngọc đó muôn thuở vốn dĩ là ngọc nhưng bị bụi trần cấu uế phủ lên.” Cách nghĩ này dễ dẫn đến một cái tôi, một cái tôi thường hằng, một cái tôi thanh tịnh, mình tu là mình lau rửa cái tôi đó trở nên sáng sủa. Nhiều người có thể chối phăng, họ nói: “Không, tôi tu Phật, tôi tin Phật, tôi học Phật thì làm gì có chuyện tôi tin có một cái tôi thường hằng, bất biến, thanh tịnh, trong sáng?”, nhưng thật ra, họ cố ý tin rằng cái tâm bản chất nó là trong sáng, là thanh tịnh tức là cái tôi này là cái tôi coi như đã hoàn chỉnh rồi, vốn sạch rồi, chẳng qua bây giờ nó đóng bụi, mình chỉ lau thôi, không cần học giáo lý không cần làm gì đặc biệt chỉ sống thanh tịnh hồn nhiên nhìn nó thôi là đủ thành thánh rồi, nó muốn thì mình cứ chiều, nhớ nhìn nó. Cái kiểu nói này nghe cực kỳ hấp dẫn đặc biệt cho những người lười học giáo lý, lười hành trì. Đó là cách nói không đúng với tinh thần PGNT.

“Tâm này là sáng chói” nghĩa là sao? Bên kia họ nói cái tâm này là viên ngọc mà do tập khí nhiều đời nên nó bị vấy bẩn, bị ô nhiễm, mình tu là mình lau lớp bụi đó, lớp bùn sình đó thì viên ngọc đó sẽ sáng ra. Bên kinh điển Pāḷi thì nói thế này, bản thân tâm trong sáng là khi quí vị làm một việc ác hay việc lành thì nghiệp ác nghiệp thiện đó tạo ra hai thứ quả: quả tái sanh và quả bình sinh

1. Quả tái sinh.

Hôm nay tôi có lòng quì trước tượng Phật, tôi lạy ba lạy, tôi thắp một nén hương, đơm một mâm trái hay chưng một bình hoa. Tâm thiện xuất hiện lúc đó sẽ tạo ra hai thứ quả cho đời sau của tôi:
- Tạo ra tâm đầu thai cho một kiếp nào đó không nói được. Vì sao không nói được? Bởi vì tùy thuộc cái mạnh hay yếu của tâm thiện lúc đó. Nếu mạnh quá nó có thể cho quả ngay đời sống tiếp theo. Yếu hơn một chút thì cho quả đời thứ 2, yếu hơn nữa thì đời thứ 3... yếu nữa thì cho quả đến đời thứ 1 ngàn, 1 triệu về sau. Vì sao đến một ngàn, một triệu? Bởi vì trước khi tôi làm việc lạy Phật thì trong vô số kiếp luân hồi quá khứ tôi đã tạo quá nhiều nghiệp thiện nghiệp ác rồi. Những nghiệp này đang chen chân nhau để trổ quả, nếu đủ mạnh thì sẽ lấn cái nghiệp thiện lạy Phật chiều nay và trổ quả trước. Còn nếu cái quả thiện lạy Phật chiều nay quá mạnh thì sẽ trổ quả trước đám “nợ cũ” kia. Còn nếu nó không đủ mạnh thì những nghiệp cũ sẽ chồng lên đẩy nó, đến bao giờ có khoảng trống nào đó thì nó kịp chen ra trổ quả. Nếu một thời gian lâu quá mà nó không tìm ra cơ hội để trổ thì gọi là Vô hiệu nghiệp (Ahosikamma). Thuật ngữ Ahosikamma dùng để chỉ cho trường hợp những nghiệp không có điều kiện trổ quả. (Bên Thái Lan có pháp tu Ahosi. Không ít tăng ni Phật tử VN bây giờ đang đội bàn thờ chạy theo phái này. Phái này cho rằng cứ đi theo phái này niệm “Ahosi, Ahosi, Ahosi…” thì bao nhiêu tật bệnh tiêu trừ, tiền khiên nghiệp chướng ba đời quá khứ sẽ dứt sạch. Đó là họ dựa vô chữ Ahosi này.) Nếu nó đủ mạnh thì nó sẽ dàn xếp đám nợ cũ và trả trước. Nếu không thì nó cứ lùi dần lùi dần lùi dần, lùi cho đến bao giờ có chỗ trống thì trồi lên cho quả và dắt tôi đi đầu thai chỗ này chỗ kia. Còn nếu chờ lâu quá mà không có thì trở thành vô hiệu, ‘xù’ luôn, ‘quịt’ luôn, mất luôn. Vì vậy, một người thành A-la-hán rồi Niết bàn thì sẽ bỏ lại biết bao nhiêu nghiệp thiện nghiệp ác. Nợ cũ nợ mới, nợ tốt nợ xấu gì cũng bỏ hết.

2. Nghiệp bình sinh

Nghiệp bình sinh là những quả báo mình được hưởng sau giây phút đầu thai. Ví dụ chiều nay tôi lạy Phật, tâm lành đó cho tôi kiếp sau đầu thai làm con của một người Nhật. Nước Nhật là nước giàu, ổn định kinh tế chính trị xã hội văn hóa giáo dục v.v...; Hôm nay tôi lạy Phật, tôi có lòng tôn kính đối tượng đáng kính, quả bình sinh là sanh vào làm con của ông người Nhật tôi có phước lạ lắm: tôi được quyền cao chức trọng, vào sở làm thì sếp hay đồng nghiệp có sự nể vì. Khi tôi lên tiếng thì họ thường lắng nghe hơn người khác. Cha tôi là người có tiếng nói trong xã hội, trong quốc hội. Đó là quả bình sinh.
Quả đầu thai là tâm đầu thai. Tâm đó trong giây phút đầu tiên khi đem tôi vào cảnh giới nào đó nó có tên là tâm đầu thai. Sau giây phút đó nó được gọi là tâm Hữu phần. Tâm Hữu phần có mặt những khi không có ngoại cảnh. Ví dụ không có gì để tôi nhìn, không có gì để tôi nghe, ngửi, nếm, đụng thì lập tức tâm tôi là hữu phần, cái tâm đó là để phân biệt tôi với xác chết, nên còn gọi là tâm hộ kiếp. Không có tâm này thì tôi và xác chết giống nhau y chang. Khi nào có cái để tôi nhìn, có cái để tôi nghe, thì tâm Nhãn thức có mặt, tâm Nhĩ thức có mặt để biết cảnh bên ngoài, còn khi không có cảnh gì để tôi ghi nhận thì tôi bèn sống bằng tâm hữu phần hay còn gọi là tâm hộ kiếp. Mà hễ nói tâm là phải có cảnh chứ, khi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân của tôi không có gì để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng hết thì tôi phải sống bằng tâm hữu phần. Vậy cảnh của tâm Hữu phần là gì? Xin thưa, cảnh của tâm Hữu phần chính là cảnh cận tử của đời trước. Nghĩa là vào giây phút cuối đời của kiếp trước đây tôi đã thấy cái gì, tôi đã kinh nghiệm, tôi đã trải qua cảnh gì thì cảnh đó bây giờ qua kiếp sau nó trở thành cảnh của tâm hữu phần. Vì nó quá nhạt, quá yếu, học đạo thì biết vậy chứ không thể nào nhờ nó mà mình nhớ được kiếp trước. Điều này cho thấy tâm sanh diệt rất nhanh. Nhanh đến nỗi cảnh của sát-na Hữu phần mình không nhận ra. Vì vậy, tâm Hữu phần chính là tâm đầu thai. Sau khi đầu thai rồi thì tâm đầu thai đó mất. Nói mất vì là theo cái luật, mỗi tâm chỉ xuất hiện một sát-na thôi. Mất rồi nhưng nó lại xuất hiện trở lại, bản chất y chang như tâm đầu thai, nhưng không thể gọi nó là tâm đầu thai, vì tâm đầu thai đã diệt mất rồi. Tâm hữu phần xuất hiện với bản chất y chang tâm đầu thai nhưng lúc bấy giờ nó không được gọi là tâm đầu thai nữa mà phải được gọi là tâm Hữu phần. Nó có mặt trong giây phút tôi không có cái gì để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Vì sao nó phải có mặt? Nó có mặt để phân biệt hình hài của tôi với xác chết. Vì nếu không có gì để nghe, ngửi, nếm, đụng thì tôi là người không tâm, mà không tâm thì sẽ là xác chết. Do đó nó phải có mặt để tôi khác với xác chết, để lát nữa có cái gì thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thì tôi quay trở lại nhịp sống bình thường. Mai này lúc cuối đời thì tôi sẽ chết bằng chính tâm Hữu phần đó. Nghĩa là đầu đời tôi nhờ nó mà đầu thai vào cõi này cõi kia. Sau giây phút đầu thai đó nó trở thành tâm điền khuyết, khi mắt, tai, mũi, lưỡi không có gì để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng thì tâm này xuất hiện, điền khuyết. Và khi có gì để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng thì tâm này biến mất để những tâm kia làm việc. Tâm hữu phần này được Phật gọi nó là trong sáng. Vì sao, vì nó là tâm quả, tâm quả là tâm vô ký, vô ký nghĩa là không thiện không ác. “Tâm này vốn dĩ trong sáng” nghĩa là như vậy đó.
“Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ”, Ngài nói: “Này các tỳ kheo, các ngươi đi vào đời này bằng tâm đầu thai, bản thân tâm đó không thiện không ác.” Nhưng khi đã qua giây phút đầu đời đó rồi thì chúng ta bắt đầu mắt đi tìm cái này để nhìn, tai đi tìm cái kia để nghe. Như nhiều lần Ngài nói: Này các tỳ kheo, giả định như có một người nhốt trong một chiếc cũi lồng 6 con thú sau đây: chim, cá, chồn, cáo, rắn, rít thì con cá luôn luôn có khuynh hướng tìm về nước, chim có dịp là sẽ bay về trời, chồn cáo về hang, rắn rít vô lùm bụi. Nói chung là chim đi đường chim cá đi đường cá… Cũng vậy, này các tỳ kheo, 6 căn này luôn luôn trong tình trạng chực chờ chạy theo ngoại cảnh. Con mắt của mình luôn luôn trong tình trạng mở to ra để nhìn cái này cái kia. Lỗ tai mình luôn luôn trong tình trạng lắng nghe cái này cái kia. Quí vị thấy một người đang ngồi thiền lim dim bất động hàng giờ đừng tưởng họ không biết gì. Họ nghe hết. Tôi từng ngồi thiền chung với đại chúng trong những lớp học bên Mỹ, nửa giờ học nửa giờ thiền, đêm hôm qua có một vị bên Houston mời về làm lại một lớp nữa y như vậy. Ngồi chung, tôi mới nhận ra một điều, chỉ cần cái phone của bất kỳ ai có âm thanh của message gởi vào là coi như cả một hội chúng ai cũng nhúc nhích nhè nhẹ hết. Lúc đó mới nhớ lại bài kinh, thì ra mắt, tai, mũi, lưỡi của mỗi người đều trong tình trạng chó chực xương. Đang ngồi mà nghe họ đổ cái gì cái ‘xèo’ một phát là cả đám đông rục rịch. Một lát bốc mùi thơm lên là cả đám đông lần lượt nuốt ‘ực ực’. Những mùi chiên xào, tiếng con nít, tiếng xe chạy dưới đường… luôn luôn trong tình trạng tấn công mình, tâm hồn mình luôn luôn trong tình trạng bỏ ngỏ. Vì vậy, Ngài nói, tâm này là trong sáng nhưng bị cấu uế từ bên ngoài là vậy.

Chú giải đã giải thích như vậy cho câu kinh: “9.Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.” Phải diễn dịch như vầy: “Các ngươi vốn dĩ đi vào đời này bằng tâm không thiện không ác (trong sáng), đó là tâm đầu thai, và sau đó nó thường xuyên có mặt nhiều hơn bất cứ một thứ tâm nào.”
Bởi khi nào mình có biết ngoại trần thì nó biến mất, còn khi mình ngủ, khi mình ngất xỉu thì nó bèn có mặt. Trung bình thời gian ngủ là một phần ba thời gian cuộc đời. Sống 75 tuổi thì mất 25 năm ngủ. Còn những việc thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư, nhớ nhung hờn giận, thương hận tình thù, toan tính sợ hãi, nói chung là chạy theo phan duyên ngoại trần là hai phần ba thời gian còn lại. Giả dụ sống 75 tuổi, 25 năm cho thời gian ngủ, 50 năm còn lại chia cho các tâm khách quan (lúc thấy, lúc nghe, lúc ngửi…) thì đâu còn lại bao nhiêu. Trong khi một phần ba cuộc đời là tâm Hữu phần có mặt. Vì vậy Ngài nói, lúc đầu đời các ngươi đến đây với tâm sạch sẽ (sạch sẽ ở đây không phải là kiểu bản lai thanh tịnh, rỗng rang trong sáng theo quan điểm của mấy ông thường kiến mà là tâm không thiện không ác) và phần lớn cuộc đời các ngươi sống với nó, ngủ với nó, ngất lịm với nó. Bởi vì chúng ta sống bằng tâm đầu thai, mà cảnh của tâm đầu thai là cảnh cận tử kiếp trước. Nhưng khổ thay, cứ có dịp để mắt làm việc là nó mở to, cứ có dịp để lỗ tai làm việc là nó dỏng ra, cứ có món để mũi ngửi là nó hếch lên…


(Những bài giảng Kinh Tăng Chi, tập 1 - Sư Giác Nguyên giảng)

TẢN MẠN TÂM TƯ