Amita có nghĩa là vô lượng


Các khái niệm về Di Đà về Dược Sư Lưu Ly Quang hiểu cho đúng thì rất hay, hiểu sai một tí thì lọt qua thường kiến. Chữ A-di-đà là từ chữ ‘amita’. Vì vậy lúc cuối đời Ôn Trí Tịnh chủ trương không đọc là A-di-đà mà đọc là A-mi-đà. Trường phái đọc “Nam mô A mi đà Phật” là trường phái của HT Trí Tịnh. Trường phái thứ hai đọc “Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca”, là trường phái mà tôi gọi là “second generation” của Làng Mai, nghĩa là “Nam mô Phật” trước rồi mới tới “Bổn Sư Thích Ca”. Sở dĩ tôi gọi là ‘second’ vì ‘first’ là “Nam mô Bụt Bổn Sư Thích Ca.”

Chữ Amita có nghĩa là ‘vô lượng’.

“Namo Amita Budhanam” là chư Phật trong ba đời mười phương đã ra đời, đang ra đời và sẽ ra đời! Hay quá. Con xin lạy tất cả khả năng giác ngộ đang bàng bạc, đang phảng phất, đang lung linh chung quanh con dưới gầm trời này và vô lượng vũ trụ. Con lạy hết tất cả các đấng giác ngộ ấy. “Namo Amita Buddhanam”, con xin đảnh lễ vô lượng chư Phật ba đời mười phương. Hay quá!
Đằng này, câu “Namo Amita Buddha” lại bị hiểu rằng “Con xin đảnh lễ A-di-đà Phật”, hóa ra lạy có một vị Phật thôi, và chữ ‘amita’ lúc bấy giờ không còn nghĩa countless (vô lượng) nữa mà trở thành tên gọi của một cá nhân. Quá uổng! Lẽ ra Nam mô A-di-đà Phật phải hiểu thế này: Con xin lạy tất cả chư Phật ba đời mười phương. Chưa hết, chúng ta còn một nghĩa nữa, con xin lạy tánh giác không giới hạn. Amita là countless, boundless, unlimit. Tu là không có giới hạn, không bị vướng kẹt trong bến bờ nào hết, con xin lạy sự thoải mái ấy, con xin lạy sự giải thoát không phân biệt lề phải lề trái ấy, không bị rào giậu không bị tường che vách ngăn ấy, con lạy tinh thần vô lượng ấy. Đằng này, chúng ta lấy cái chữ ‘amita’ hay ho ấy biến nó thành tên riêng của một vị Phật, và cứ đè cái tên đó ra mà réo cả đời. Rất là uổng!
Ngay cả ba khái niệm: “vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng chúng” này cũng rất là hay.

- Vô lượng thọ là tuổi thọ không giới hạn. Tinh thần chánh pháp vốn dĩ không có tuổi, lúc nào còn có người học, hiểu, tu tập, hành trì, chứng đạo, lúc đó pháp còn hiện diện, còn tồn tại ở đời. Đó chính là tinh thần vô lượng thọ.

- Vô lượng quang nghĩa là, ngày nào còn có một góc tối trong lòng của chúng ta chưa được bạch hóa (transparency) 100%, thì ngày đó chúng ta còn là phàm. Muốn giải quyết góc tối thì phải cần ánh sáng, như vậy thì con xin lạy tinh thần vô lượng quang, sáng sủa và minh bạch ấy. Đàng này, chúng ta hiểu vô lượng quang là tên của một người.

- Vô lượng chúng thì chúng ta hiểu sai đó là vị Phật có vô lượng đệ tử, uổng quá. Vô lượng chúng có nghĩa là ngày nào còn có người tin, hiểu, hành trì, chứng đắc thì đệ tử của chư Phật ngày đó vẫn còn. Chúng ta hoàn toàn có thể là con Phật, không biết đến thế hệ nào mới hết, bởi vì hễ ngày nào còn có người tin nhận, hành trì, chứng ngộ thì ngày đó đệ tử của Phật vẫn còn sinh sôi, phát triển, đó là vô lượng chúng. Và vì chúng ta hiểu sai điều đó nên gọi đó là tên của một vị Phật.

Có thể bà con không tài nào ngay tại chỗ mà chấp nhận điều này, nhưng điều đó là sự thật.

Trích: Pháp thoại "Khái Niệm Về Vô Thường Vô Ngã & Hành Giả Tứ Niệm Xứ"
Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng tại Sydney Burmese Buddhist Vihara chủ nhật, 03 - 03 - 2019

TẢN MẠN TÂM TƯ