TIẾNG CHUÔNG TỪ BÊN KIA NÚI

Một ngày cuối năm, tôi trở lại Á Châu để chuẩn bị một chốn về cho tuổi già đến sớm của mình. Non tháng trước ngày bay, tôi bàng hoàng với hung tin sóng thần ở đảo quốc Indonesia (ngày 29.9.2018) với hàng ngàn người chết. Trước ngày bay mấy hôm, chuyện hồi hương, có lẽ vĩnh viễn, của hòa thượng Nhất Hạnh rồi thì sự ra đi của nhà văn Kim Dung, đều ở tuổi ngoài 90, đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nghĩ cách bình thường thì đó là chuyện bình thường. Nhưng trong tâm thức của một người học Phật, những tin tức ấy đều là những tiếng chuông nhắc người, những tiếng chuông vọng lại từ bên kia núi. Ngọn núi của những ảo tưởng điên mê, giả vọng. Với sự ngăn che của nó, ta thấy cái gì cũng đẹp, cũng hay, cũng mãi hoài còn đó đợi chờ mình...thưởng thức!
Chuyện đời dồn dập như những con sóng. Đêm qua chúng tôi lại biết tin thiền sư Tejaniya của trung tâm Shwe Oo Min vừa được các bác sĩ xác định là đã mắc bệnh ung thư ruột, và mọi chữa trị chỉ ở mức cầu may. Hiện ngài thiền sư vẫn phải qua lại chữa bệnh ở Singapore, nơi cố thượng tọa Thiện Minh đã nằm chữa bệnh.
Không thể sống và tu trong tâm thái hoảng loạn, nhưng ta cũng không thể tiếp tục quên mất những già-bệnh-chết vẫn đang treo lửng lơ trên đầu mình. Có chuẩn bị tâm lý, chuyện xảy đến không tệ như mình nghĩ.
Nhịp sống xô bồ, môi trường ô nhiễm, kiểu sống tương tranh lừa lọc, đều là những điều kiện xấu để đời sống nhân loại trên hành tinh này ngày một có vấn đề. Ta có thể nghèo, già, xấu, bệnh, nhưng hình như ai cũng có quyền sống an lành và chết thanh thản. Và hai chuyện đó chỉ có thể được thực hiện bằng đời sống chánh niệm tại đây và bây giờ, nghĩa là ngay từ hôm nay.
Tiếng chuông từ bên kia núi vẫn tiếp tục vọng lại, tiếp tục kể cho ta nghe chuyện mình, chuyện người, những chuyện đời hư huyễn chiêm bao vẫn từng giờ xảy ra trên mặt đất này. Tai nghe chuông, bàn tay buông!
Toại Khanh

TẢN MẠN TÂM TƯ