Rồi mai em đi

Báo chí khắp nơi mới loan tin một vị cao tăng Việt Nam vừa mới viên tịch tại California. Bên cạnh chút ngậm ngùi như đã từng có với bao cáo phó khác, tôi chợt có thêm một nỗi riêng rất lạ. Cảm giác đó phải tới mấy giờ sau mới có.
Trời đã chớm lạnh từ mấy ngày nay. Mùa đông sắp về rồi, và một người già cũng vừa bỏ đây mà đi. Đêm một mình giữa bốn bề sách vở. Tôi liếc mắt vào mấy giá sách quanh phòng và se lòng một lát. Mình cũng đã nửa kiếp rồi. Nếu một ngày sáng đi mà chiều không về nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra với mấy cuốn sách này nhỉ? Tôi có một bức tượng của ngài Huyền Trang bằng đồng trắng, tuyệt đẹp, giá rẻ thôi, nhưng không phải có tiền là mua được. Ngài không phải đối tượng thờ cúng của thiên hạ nên hiếm người nghĩ đến việc đúc tượng vẽ tranh. Mai này nếu tôi đi không về, người khác biết có giữ lại bức tượng hay đem bán đổ tháo như một món đồng nát. Tôi nhớ xưa giờ thiên hạ thường e ngại với đồ cũ của người chết. Trừ khi đó là một danh nhân hay món đồ kia quá đắt giá. Tôi và bức tượng ngài Huyền Trang không nằm trong số đó.
Ở Mỹ có nhiều cái vừa hay vừa…hình như dở. Một người ra khỏi nhà luôn có thể không còn dịp quay về nữa. Mình có chuyện gì thì người ta đưa thẳng vào bệnh viện hay nhà quàn, không có việc quay lại nhà mình làm gì, dù chỉ một phút. Ai trên xứ Mỹ cũng có thể là một Kinh Kha bên bờ Dịch Thủy. Chẳng cần là tráng sĩ cũng một đi chẳng về. Vì cái chết là Tần Vương, là bạo chúa. Và nước trên sông đã trôi đi thì chẳng quay về bao giờ.
Mọi thứ tôi có được, suy cho cùng, chỉ là những thứ phải bỏ lại. Ai cũng biết nói danh lợi là phù vân, hay gì cũng là bè cỏ sang sông. Nhưng tận đáy lòng, mỗi người có thật sự nghĩ như vậy không? Cứ nhìn cách thiên hạ đối nhân xử thế thì biết. Nhìn kẻ khác nằm xuống, ai cũng lén nghĩ còn lâu mới đến phiên mình. Dù sự tự tin đó tuyệt không có chút gì làm bảo đảm.
Tôi chợt nhớ mấy câu nói của một bà cụ Phật tử. Sư biết không, mấy người là bác sĩ luật sư gì đó nhiều khi không có nhiều hột xoàn như mấy bà tiểu thương. Hoặc là ăn học cao nên sở thích trên mây, hoặc là chỉ lo gửi tiền vào nhà bank để tiện dụng. Nữ trang của mấy bà ăn học cao nhiều khi chỉ là đồ nhựa. Còn dân tiểu thương thì đơn giản lắm: Bà có tiền thì bà đeo đồ đắt tiền cho sướng. Hột xoàn càng bự thì tương lai mình cũng chắc ăn hơn. Nhưng có nhiều bà chỉ mua mà không dám đeo. Họ sợ cướp. Đại khái, tôi ngầm hiểu là bà cụ muốn nói tôi nghe về một chân lý là đừng xem thường dân tiểu thương. Tôi chột dạ…
Chuyện tu hành hình như cũng vậy. Lắm khi nghiên cứu cao siêu mà nội lực tu hành toàn bằng nhựa. Trong khi đó nhiều bà cụ sang Mỹ rồi vẫn gói bánh bỏ mối để có tiền gửi về làm phước bên Việt Nam. Tôi nghe nói ngày xưa đi biểu tình chống ông Diệm, mấy bà già trầu thường liều mạng nhất. Trong mắt người học Phật sơ cơ thì các cụ có vẻ chỉ là Tiểu Thương, thậm chí Tiểu Thừa, nhưng lòng họ đơn giản lắm và lắm khi Đại Thừa ngút ngàn. Họ gần chết nên minh triết hơn, hay là vì họ đến với Phật qua con đường đơn giản nhất nên không gặp nhiều vấn đề như các học giả?
Mấy lúc sau này tôi thường tự thấy mình đã già nên hình như cũng hiểu các cụ nhiều hơn. Phật Pháp đôi lúc cũng nên ngắn gọn một chút, chẳng hạn chỉ một câu nói: Sống sao để không sợ chết, hoặc sẵn sàng để ra đi bất cứ lúc nào. Đừng mặc cảm chi những tiểu thương, tiểu thừa. Có được hột xoàn cỡ bự thì ngon lành rồi. và nếu được, cũng đừng khoe mẽ làm gì, coi chừng bị cướp. Hãy nhớ lời ông Trịnh Công Sơn: Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta!

Toại Khanh

TẢN MẠN TÂM TƯ