Ngày Xuân Việt đọc thơ Nhật Bản

Cái chết thì ở đâu và thời nào cũng có, nhưng mỗi nền văn hoá có một cái nhìn khác biệt nhau về nó. Chẳng hạn giữa bao nhiêu thiên hạ chỉ biết ham sống sợ chết, hãy thử đến hỏi chuyện một người Phật tử Tây Tạng hay cư sĩ Miến Điện xem họ nói sao về cái chết thì ta sẽ thấy rằng hình như cái biết của mình về chuyện đời chưa được bao nhiêu hết. Chuyện về người Nhật cũng là trường hợp tương tự. Phật giáo đến Nhật từ năm 502, sau khi dung hợp với Thần Đạo (Shinto) bản địa, đã trở thành một nguồn sống kỳ diệu cho tâm thức Nhật Bản. Có lẽ khó tìm thấy ở đâu một dân tộc có thể nói về cái chết một cách thơ mộng và bình tĩnh như người Nhật. Từ một công trình biên tập của soạn giả Yoel Hoffmann, cuốn Japanese Death Poems, ta được biết thêm một chuyện thú vị: Ngoài thứ thi ca thông thường lấy cảm hứng từ đời sống, người Nhật xưa còn có một loại thơ khác rất độc đáo, đó là Jisei-ku, Từ Thế Cú, lấy cảm hứng từ cảm giác đối diện cái chết. Các tác giả  của loại thơ này thường khi chỉ sống thêm vài giờ hay thậm chí vài phút sau khi đã hoàn tất bài thơ! 
    
Ngày xuân đem chuyện chết chóc ra nói thì xem chừng không đúng chỗ. Nhưng đó chỉ là kiểu định kiến thường thấy ở đời. Trong Phật Pháp thì có ngày nào mà mỗi người không phải đối diện với những khoảnh khắc sinh diệt chứ. Ai lại chẳng mang sẵn trong mình cái bản chất phù sinh của một bọt nước, còn đó mất đó. Thực ra dám trực diện với cái chết mới chính là biết sống đàng hoàng và ngon lành nhất. Cái tâm tình của một tử tù dễ khiến người ta nên thánh. Đời sống khi đó không còn là những thứ mình thích hay không, mà là cái gì cần thiết nhất mà thôi. Ôm nỗi chết mà sống tử tế hơn thì sao lại sợ nhắc đến nó. Hầu hết chuyện bậy ở đời đều bắt đầu từ chỗ người ta không nhớ nhiều cái ngày về đất.

Cổ tích kể rằng ngày xưa có ông vua lúc về già bỗng dưng muốn đọc hết những thi thư kinh truyện hay nhất trong thiên hạ trước khi xuôi tay về trời. Ông đem tâm nguyện đó nói với các học giả uyên thâm nhất nước. Họ thấy vua không còn nhiều thời gian, nên đã hợp sức nhau rút ngắn, thu gọn những sách vở mà theo họ là tinh hoa tri thức thiên hạ vào trong ba pho kỳ thư dày cộm rồi đem dâng vua. Nhà vua già nhìn qua rồi lắc đầu ngao ngán. Ông mắt kém, đau lưng, dễ mệt thì làm sao đọc hết mấy cuốn sách nhìn qua đã ngán đó. Tội nghiệp các học giả lại phải bao phen rút ngắn mấy bộ sách kia theo đề nghị của vua. Chuyện đáng lo là ngắn mấy thì vua cũng lắc đầu. Sách mỏng dần theo hơi tàn của nhà vua, ông bây giờ mở mắt còn thấy khó nói gì là đọc sách. Cuối cùng, vào buổi chiều trước khi vua băng, một học giả trăm tuổi đến quỳ xuống trước giường chết của vua và trình lên một mảnh giấy nhỏ, tâu rằng bao nhiêu chuyện đời kim cổ đông tây đều nằm hết trong đó. Ông vua già đang thoi thóp nghe vậy mừng quá, ông chìa tay cầm lấy tờ giấy nhỏ xíu đó, liếc mắt nhìn vào và mỉm cười mãn nguyện, rồi thì ông đi.

Câu chuyện trên vốn là cổ tích của xứ nào không ai biết, có điều là người Nhật đã chuyền tay nhau cái nội dung của mảnh giấy đó để sống thơ mộng và chết bình thản từ bao đời qua, rồi tạo nên một dòng thơ có lẽ lạ lùng nhất thế giới: Từ Thế Cú.  Những tác giả của dòng thơ đó có thể là một thiền sư hay một thi sĩ chuyên nghiệp, khác biệt  nhau nhiều điểm nhưng đều gặp gỡ nhau ở một lối về, đó là khả năng chào biệt nhân gian với nụ cười thanh thản nhất. Xin hãy nghe một vài người trong số họ đã nói gì về mảnh giấy bí ẩn vừa nói ở trên…Và cũng xin nhắc lại rằng đó là những dòng chữ thật sự là tuyệt bút được họ viết ra ngay trước lúc lìa đời, có khi chỉ là vài giờ ngắn ngủi.

The road I take
To paradise is bright
With flowers
(Sokin, mất năm 1818)

Tôi từng bước nhẹ
bỏ lại cõi sương
về Tây Thiên
một con đường cỏ hoa

Thử hỏi trong số người quen quanh ta đã có một ai nói được vậy về cái chết. Một cuộc đi không có gì tiếc nuối, sợ hãi. Kẻ hành nhân chỉ lặng lẽ chờ đợi cái thời khắc lên đường bằng một cảm giác không thể thơ mộng hơn.

I die
the evening of the day
the hibiscus blooms
(Koson)

Tôi đi
về cõi tịch liêu
vào đúng buổi chiều
hoa bụt trổ bông

Bỗng dưng nghe nhớ hai câu thơ của ông Phạm Công Thiện: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn, cây khế đồi cao trổ hết bông. Một chút  hoa thôi, nhiều khi cũng là cái cớ lớn để người ta suy nghĩ nhiều, đủ là một ấn tượng khó phai trong lòng bất cứ ai có được trái tim biết thở.

Now as a spirit
I shall roam
The summer fields
(Hokusai)

Như loài dã quỷ
Phiêu phong
Ta đi
Qua những cánh đồng
hạ xanh

Nhắc thơ người, tôi cũng có lúc nhớ thơ mình. Dịch bài này của Hokusai, tôi chợt nhớ một bài thơ cũ đã làm từ lâu lắm, phút cao hứng muốn lấy nó làm bản dịch cho 3 câu thơ Nhật trên mà không dám:

Mai tóc bạc, chưa vẹn đời du sĩ
đi trăm năm sao hết những con đường
dâu biển ơi, trước lúc về yên nghỉ
xin một lần làm mây trắng muôn phương…(TK)

Butterflies in flight:
The journey’s end
Suma Akashi
(Chikuro)

Ta rồi đến lúc phủi tay
Như con bướm nhỏ
đã bay cuối đường

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, bữa tiệc nào cũng tan. Những vui buồn nhân sinh có ghê gớm đến mấy cũng phải có lúc chấm hết. Chuyện cần làm là anh phải sống để hiểu biết đúng sự thật, bao dung và buông bỏ, không phải để nắm níu. Xưa, vua Salomon của Do Thái được một người đến hiến cho chiếc vòng bằng bạc cùng một lời tâu rằng ai đang buồn nhìn vào chiếc vòng sẽ không buồn nữa, nhưng kẻ đang vui thì đừng nhìn vào nó, coi chừng sẽ hết vui . Vua Salomon nghe vậy thì càng tò mò, ông cầm chiếc vòng lên ngắm kỹ và thấy trên đó có khắc một dòng chữ ngắn ngủi: Gì rồi cũng qua đi.

Of late the nights
Are dawning
Plum-blossom white
(Buson)

Đêm tàn
trời lại bình minh
một đoá hoa lành
vừa nở sáng nay

Cái chết của người lành thì đơn giản như vậy đó, mát lạnh và thơm ngát. Và không phải ai cũng có được kiểu chết đó. Anh sẽ chết theo cách anh đã sống. Kể cả những cách chết không đẹp mắt lắm, thì trong đó kẻ ác và người thiện cũng có chỗ khác nhau. Một người cỡi mây mà đi, một kẻ đeo gông mà bước.

A parting word?
The melting snow
Is odorless
(Bokusui)

Một lời gửi lại trần gian
đời người
một nắm tuyết tan
nhạt phèo

Thế giới này, nói cho cùng, là những nắm tuyết: Thấy vậy mà không phải vậy. Thấy tuyết đẹp thì xin cứ để nguyên vậy rồi đứng ngắm từ một khoảng cách nào đó. Tuyết sẽ tiếp tục đẹp và thơ khi người ta chỉ ngắm nó qua một chút tưởng tượng. Lại gần nó, hốt nó lên tay, người ta sẽ phải thất vọng. Sức nóng trên tay người sẽ làm nó chảy tan thành nước.

Oh I don’t care
Where autumn clouds
Are drifting to.
(Bufu)

Ta đi
về cõi hư vô
kể chi mây trắng
dạt xô phương nào.

Trong khi một người rũ áo ra đi, gì cũng chẳng màng, thì vẫn có kẻ trong giờ phút lên đường xem chừng vẫn còn bịn rịn với một chút tình khó dứt, nhưng kỳ thực, hai thái độ khác nhau mà vẫn cùng một chiều cao. Kẻ ra đi chẳng tiếc nuối gì, ngoài chút bận lòng rất nhẹ nhàng:

I have not yet grown weary
Of this world – where do
Fall breezes blow?
(Gofu)

Ta chưa đành dạ xa đời
Còn thương chút gió bên trời
những hôm…

Farewell
I pass as all things do
Dew on the grass.
(Banzan)

Tôi đi
như giọt sương rơi
như nhân gian
vẫn muôn đời
tử sinh.

Nhẹ nhàng, thanh thản quá. Nếu thuở bình sinh ai cũng sống trong tỉnh táo, biết cưới hỏi cái chết từng ngày, thấy được niềm sinh diệt trong từng buổi, thì bữa đi đâu có chi bận lòng nữa. Biết trước lâu rồi. Sướng nhất là những người không thấy có gì khác biệt giữa cái chết cuối đời với cái chết vẫn diễn ra từng hôm sớm…

The longest winter night
Plum pedals fall and finally
The western moon.
(Bankoku)

Đêm dài đông chí
một cánh hoa rơi
vầng trăng khuya
đã cuối trời Tây thiên.

Khó ai có thể vẽ nên một bức tranh sinh động và đầy đủ hơn vậy về cái chết…

Like dewdrops
On a lotus leaf
I vanish.
(Senryu - Xuyên Liễu)

Đời như giọt nước cành sen
Trăm năm
Nào có bõ bèn gì đâu.

Một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Albert Einstein là việc định nghĩa lại khái niệm thời gian. Ông đã đưa nhiều người đến cửa đạo bằng con đường Vật Lý, thay vì là những thuyết giáo tâm linh.

Looking back at the valley:
No more dwellings, only
The cuckoo cries.
(Bako – Mã Quang)

Ngoái nhìn
thung lũng đìu hiu
không ai
ngoài tiếng chim chiều
kêu sương.

Gì cũng sắp đến rồi, mọi chuyện chỉ còn là sự chờ đợi, lắng nghe. Bước chân thời gian lúc này rõ ràng hơn bao giờ hết, như từng giọt nước, từng tiếng thạch sùng trong nhà vắng, tiếng bướm bay ngang đèn, tiếng lạc ngựa trên đường, và cái âm thanh xa vời như có như không từ thung lũng đâu đó bên kia núi…

Plum pedals falling
I look up – the sky
A clear crisp moon.
(Baiko)

Mãi nhìn theo
Cánh hoa rơi
Ta ngó lên trời:
Một mảnh trăng con.

Now spring has come
Into my world:
Farewell!

Bấy nhiêu năm
Cũng kiếp người
Ta chia tay nhé
cuộc đời đang xuân…

Nhà thơ đã ra đi đúng vào tháng Giêng năm 1905, thọ 80 tuổi,

The year is ending:
I have not left my heart
Behind.
(Hankai)

Rồi năm cũ
cũng qua đi
Ta về cõi tịnh
Chẳng gì tiếc thương…

Không bỏ lại tim mình phía sau, Yoel Hoffmann chú thích câu tiếng Nhật Kokoro Nokori Wa nghĩa là không còn gì tiếc nuối.

The cuckoo’s  voice
Is all the more intriguing
As I die
(Keido)

Ngày ta về với thiên thu
Mong nghe được tiếng chim gù
Cũng vui.

Một ước mơ nhẹ nhàng đơn giản quá, và phải bình thản đến mức nào đó, kẻ trên tử sàng mới có thể tiếp tục hồn nhiên cà rỡn đến thế.

Summer
Is upon me:
A lotus leaf.
(Kassan, mất ngày 12 tháng 6 năm 1818, thọ 57 tuổi)

Kia rồi,
Mùa hạ đã sang
em ơi
một lá sen tàn
bên hiên.

My old body:
A drop of dew grown
Heavy at the leaf tip.
(Kiba)

Thân già
rồi cũng vô thường
phù du
như một giọt sương
đầu cành

Seventy-one
How did
A dewdrop last?
(Kigen, mất ngày 23 tháng 8 năm 1736, thọ 71 tuổi)

Bảy mươi năm
rồi cũng qua
trời ơi,
một kiếp sương là vậy sao!

Today is the day
For one last view
Of Mount Fuji
(Kimpo)

Chiều nay
đã cuối đường trần
Còn trông thấy núi
một lần này thôi.

Nhớ xưa Phật từng nói một câu tương tự vậy, khi biệt Vesali trước ngày về Kusinara để không bao giờ nhìn thấy ngôi cổ thành này thêm lần nào nữa.

The joy of dewdrops:
In the grass as they
Turn back to vapor
(Koraku)

Ô hay
từng giọt sương rơi
Chúng reo:
Ta lại về trời làm mây

Nói thiệt, tôi chỉ mong ngày chết cũng có thể an lạc như thế. Cái chết thực ra không phải là kết thúc, mà là một cuộc bắt đầu.

When you contemplate the waters
At day break, you can hear
The lotus blossom.
(Kyokusai)

Sớm mai
ngắm nước ven hồ
nghe cành sen nọ
bất ngờ mãn khai.

A journey of no return:
The wanderer’s sack is
Bottomless.
(Kyoshu)

Lên đường
về cõi hư vô
chợt nghe
chiếc túi giang hồ
rộng thêm…

Chiếc đãy của người du sĩ hôm nay bỗng như mênh mông hơn, những gì có được một đời bất chợt chẳng là gì hết. Hành trang cho cuộc đi còn lại những gì, ngoài một chữ Không!

Since time began
The dead alone know peace
Life is but melting snow.
(Nandai)

Chỉ tàn hơi mới bằng an
Bình sinh
một nắm tuyết tan ỡm ờ.

All freezes again
Among the pines, winds whispering
A prayer.
(Riei)

Nữa rồi,
một chút thu phong
trên những ngọn tùng
gió hát
lời kinh.

A water bird, asleep
Floats on the river
Between life and death.
(Robun)

Con vịt trời
lại ngủ quên
theo sóng
bồng bềnh
giữa nỗi tử sinh.

Cứ như một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, ta có thể nghe thấy ở đó cái không gian lững lờ giữa hư và thực. Ngó con chim trời mà nghĩ đến mình. Và không riêng gì ai hay một thứ gì ở đời, vạn hữu vẫn đang tồn tại trong niềm tử diệt, để cái cũ trở thành cái mới, đắp đổi nhau mà thành hoại.

I shift my pillow
Closer to the
Full moon.
(Saiba)

Nhìn ra, trăng rải đầy sân
Ta kê cao gối
Cho gần trăng hơn.

Như một cuộc tình từ thiên thu, trăng bao giờ cũng  đồng hành với con người. Trẻ con, tình nhân, nhà thơ, ẩn sĩ….Ai chẳng yêu mê vầng nguyệt. Và ở đây, người thi sĩ của chúng ta khi tự biết mình phải lên đường vào cuộc hành trình không bè bạn thì vẫn còn trông đợi ở trăng chút tình bằng hữu sau cùng. Trăng có thể là bạn cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ vì nó có như không, không mà có…Chỉ bằng kiểu hiện hữu đó nó mới có thể đi với người ta suốt mọi hành trình.

I borrow moonlight
For this journey of a
million miles.
(Saikaku)

Ta đi
Muôn dặm trùng san
Mượn nhau
Chút ánh trăng vàng
được không?

Một bài thơ thiệt đẹp, nó đẹp còn vì giây phút chào đời của nó cũng là thời khắc cận tử của nhà thơ. Trên đường vào cõi chết ông vẫn còn kịp nhắn gửi lại cho nhân gian niềm tự tại cần có của một người hiểu được chuyện đời. Cũng trên cái tinh thần an lạc vô lượng đó, có người chờ chết bằng một kiểu thơ mộng khác:

Boarding the boat
I slip off my shoes:
Moon in the water.
(Seira)

Xuống thuyền
Giày tuột khỏi chân
Ô hay
Trên nước
một vầng trăng trôi!

Hành giả đã ngộ có thể thấy sông núi là sông núi, hay sông núi là Tứ Đại đều được hết. Chân Đế hay Chế Định lúc này tùy lúc mà ngắm. Cái hoang tưởng của một người điên hay hồn thơ một nghệ sĩ hoặc khả năng thấu thị của một hành giả Tuệ Quán có điểm giống nhau là thấy thêm một chiều không gian khác của sự vật mà người thường không thấy được. Có điều là thấy ra sao để bị gọi là điên, ra sao để được gọi là nghệ sĩ và ra sao mới là bậc thức ngộ.

Cũng là trăng giờ hấp hối, qua giọng thơ của một người khác:

Rain clouds clear away:
Above the lotus shines
The perfect moon.
(Seishu)

Mây tan,
trời lại trong ngần
trên cành sen
chợt một vầng trăng khuya.

Qua họ, cái chết cơ hồ không còn đáng sợ nữa. Nó đã là một cuộc đi, một hành trình, một khúc quanh khác, vậy thôi. Mấy lời thơ sau đây của vài tác giả cứ khiến tôi e ngại không dám bàn ra tán vào, họ nói hết rồi, còn gì cho tôi nói nữa đâu:

I wake and find
The colored iris
I saw in my dream.
(Shushiki)

Ta choàng dậy
Ngó qua song
trời ạ,
đoá hồng
vừa thấy trong mơ!

For eight and fifty years
I have had my fun
With moon and flowers.
(Tanko, mất ngày 27 tháng 3 năm 1884, thọ 58 tuổi)

Một vầng trăng
mấy khóm hoa
năm mươi tám tuổi
thế là đủ vui!

Nhiều hay ít lắm lúc không phải là chuẩn mực của đời sống, điều cốt tử là anh đã cảm nhận mọi sự ra sao, Con số 2, 3 đôi khi cũng đã là quá nhiều với một người xem gì cũng là mây khói.

I wish my body
Might be dew in a field
Of flowers.
(Tembo, mất tháng 8 năm 1823, thọ 83 tuổi)

Ước gì có thể hoá thân
hạt sương lạnh
giữa vô ngần cỏ hoa.

Chỉ có bậc cao sĩ mới có thể yêu được sơn lan và dã hạc, chỉ có người hiểu đạo mới có thể có nỗi cái khả năng vong thân tận tuyệt đến thế.

The voice of the nightingale
Makes me forget
My years.
(Uko, mất ngày 7 tháng 3 năm 1820, thọ 82 tuổi)

Mãi nghe chim hót trên cành
Bao năm tháng cũ
Cũng đành phôi pha.

Cái gì cần quên thì không nên nhớ nữa. Ký ức phải được chọn lựa, vì có thứ trong đó là hành trang và có món chỉ là gánh nặng trên đường. Những khi đó, chúng chỉ là chút phiền hà cho một thực tại đẹp. Được nghe chim hót trước giờ đi, vậy là nhất rồi. Gì đó ngoài ra, xin gửi lại cho đời.

I am not worthy
Of this crimsom carpet:
Autumn maple leaves.
(Kyohaku, mất ngày 30 tháng 10 năm 1847, thọ 75 tuổi)

Mùa thu
thảm lá mông mênh
bàn chân tục lụy
dẫm lên sao đành.

Sắp bỏ hết lại cho đời để mà đi, người thơ vẫn một mực chân thành trân trọng cái đất trời huyền hữu như thuở nào vẫn sống trong nó. Một thảm lá vàng vẫn cứ thiêng liêng trong lòng một người biết sống và chết trong trách nhiệm, cứ luôn thấy mình có điều phải nghĩ, có chuyện phải làm và cứ thấy mình luôn là bé mọn để có thể cúi đầu trước vạn hữu phù sinh. Và đó cũng là tâm sự của một người khác:

When I am gone
Will someone care for
The chrysanthemum I leave?
(Kizan, mất năm 1851, thọ 64 tuổi)

Ta rồi nhắm mắt
Xuôi tay
chỉ thương chậu cúc
biết ai chăm giùm

The second month:
Plum blossoms filling out –
I fade away.
(Gohei, mất ngày 2 tháng 2 năm 1808, thọ 62 tuổi)

Tháng hai
vườn trắng anh đào
Chỉ hiềm
Tôi đã mòn hao lắm rồi!

Than là mệt, nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để yêu được cái trần gian này qua mấy nụ hoa nhỏ xíu. Chết kiểu đó đâu có sợ hãi. Tôi dĩ nhiên không dám so tác giả với đức Phật, nhưng đọc mấy câu tuyệt mệnh này của ông, tôi cứ nhớ lại mấy ngày cuối cùng của Thế Tôn ở Vesàli trước khi về đến Kusinàra để viên tịch. Đêm đó, ngài ngồi với tôn giả Ànanda và khen trăng ở Vesàli bằng mấy lời đẹp như thơ. Bà con nào tò mò, xin vào đọc trong kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường Bộ Kinh.

Clear sky
The way I came by once
I now go back by.
(Gitoku, mất ngày 24 tháng 11 năm 1754, thọ 53 tuổi)

Vẫn bầu trời thẳm
Trên kia
Tôi theo ngõ cũ
trở về cố hương

Nếu tác giả từng biết qua giáo lý Duyên Khởi, tôi cho đây là một kiểu rút gọn cái biểu đồ 12 mắt xích của Sinh Tử Luân.

A graveyard:
Autumn fireflies
Two or three.
(Gensho-Nguyên Tùng, mất ngày 5 tháng Giêng năm 1742, thọ 58 tuổi).

Nghĩa trang
lặng ngắt như tờ
đôi con đom đóm
hững hờ trong đêm.

Nói chết chỉ là sự trở về cũng được, là bước chân đầu tiên cho một hành trình mới cũng được, miễn là không có ai chết cả, chỉ có sự hoán chuyển của những nguồn năng lượng, thế thôi. Thấy được vậy, cái chết hoàn toàn có thể được nhìn ngắm bằng mắt, bằng tai.

Upon the lotus flower
Morning dew is
Thinning out.
(Fuso-Bất Tranh, mất ngày 11 tháng 4 năm 1886, thọ 47 tuổi)

Trên cành sen
buổi sớm mai
màn sương đầu ngày
từng phút
dần tan…

Quan sát được từng bước chân của thần chết một cách lãng mạn đến vậy không phải ai cũng làm nổi.

Rise, let us go
Along the path lies
The clear dew.
(Fujo, mất ngày 27 tháng 8 năm 1764, thọ 52 tuổi)

Nào, ta làm cuộc lên đường
Hành trình
Là một ngõ sương
cuối trời.

Phải nhẹ như gió mới có thể dẫm lên sương mà đi. Người khuân vác đủ thứ trên vai và trong lòng thì làm sao đạt tới được cái công phu thượng thừa đó chứ!

Empty cicada shell:
As we come
We go back naked.
(Fukaku- Bất Giác, mất ngày 21 tháng 6 năm 1753, thọ 92 tuổi)

Ngó xác ve
bỗng chạnh lòng
trần gian
ai chẳng tay không
đi, về.

Bài này ai nghe qua cũng hiểu, cũng thuộc. Vậy mà người ta sẽ quên ngay thôi. Nếu chẳng thế, sao cái hành tinh này đến giờ vẫn cứ khổ như điên vậy chứ?

A parting gift to my body:
Just when it wishes
I’ll breath my last.
(Ensei-Diên Thanh, mất ngày 16 tháng 5 năm 1725, thọ 69 tuổi)

Chút quà
Tôi tặng chính tôi
Không chi
chỉ một làn hơi cuối cùng.

Cái chết như một cuộc chơi. Tác giả đã nhắc tôi nhớ đời mình thật sự là gì, và chi mới là điều cần thiết nhất. Cái đó nằm ngoài mọi âu lo, toan tính của phàm tâm. Đâu phải đợi đến lúc phải há to miệng để tìm hơi mới nhớ đến nó. Sao không là lúc này chứ? Thở trọn vẹn để sống khỏe, thở tỉnh thức để lòng không u mê, thở với từ tâm để có thể bao dung vạn hữu. Chỉ luyện thở thôi, cũng đủ khiến mình và người cùng được an lạc rồi.

Autumn gust:
I have no further business
In this world.
(Ensetsu, mất ngày 19 tháng 9 năm 1743, thọ 73 tuổi)

Chỉ là một trận gió thu
phủi tay vào cõi sa mù
tôi đi.

Tôi phải cảm ơn nhà thơ nhiều lắm, nghe ông nói về cái chết mà bắt ham luôn!

Cargoless
Bound heavenward
Ship of the moon.
(Dohaku-Đạo Bách, mất năm 1675)

Thuyền trăng
nhẹ tếch về trời
chở theo đó
một nỗi đời hư vô.

Không phải ai cũng có thể đưa mình tới được cái cảnh giới không trọng lực để có thể nằm ngoài mọi sức hút của trần gian. Nhẹ hơn hạt bụi, phiêu bồng hơn cả một cánh hạc, để hoá thân thành cái gì đó như là tia nắng, để có thể đi xa, đi nhanh về trời. Thầy tu chết được vậy còn sướng hơn sống làm vua triệu lần.

I wait, white clouds
And dark clouds passing-
A cuckoo  cries.
(Chosui-Điểu Túy, mất ngày 17 tháng 10 năm 1715, thọ 78 tuổi)

Tử sàng
nằm ngóng mây bay
hay chưa!
bất chợt hiên ngoài
tiếng chim…

Tôi bỗng hình dung tác giả như một người đã dọn sẵn hành lý cho cuộc du hí nghìn dặm nào đó, chứ không phải một người đang nằm chờ chết. Thanh thản, tươi trẻ và tràn ngập năng lượng.

Leaves never fall
In vain – from all around
Bells tolling.
(Chori, mất năm 1778, thọ 39 tuổi)

Lá vàng
Nào ngẫu nhiên rơi
Quanh ta
giờ đã mấy thời chuông ngân.

Cứ như điều tâm đắc của một hành giả đã tìm ra lời đáp cho cái công án mà mình đã một đời tham chiếu.

This final scene I’ll not see
To the end- my dream
Is fraying.
(Choko, mất năm 1731, thọ 46 tuổi)

Chưa gì
Mà mộng đã tan
đời như một giấc kê vàng
sớm phai.

Nhiều khi kiến thức cả đời chỉ là những bài học trên mặt giấy, phải đợi đến phút ra đi người ta mới có đủ bằng cớ để nghiệm ra trọn vẹn những gì mình vẫn chỉ biết qua đầu môi.

“Paradise”
I murmur, sleeping
In my netted tent.
(Chora, mất năm 1776, thọ 44 tuổi)

Ồ mặc kệ
trần gian muôn khổ ải
trong lều sương
ta gọi mãi thiên đường.

Chẳng hiểu sao, tôi cứ chẳng muốn hiểu là tác giả đang có ý cầu vãng sinh chi đó trong giờ cận tử. Tôi mơ hồ nghe thấy trong mấy dòng ngắn ngũi đó một sự an lòng và niềm tin vào cái thiện. Ai sống lành sẽ ra đi an lạc, thế thôi. Tác giả tin vậy và thấy ra một chốn về yên bình đang đợi chờ mình ở đâu đó cuối trời.

I long for people –
Then again I loathe them:
End of autumn.
(Chogo, mất năm 1806, thọ 45 tuổi)

Chờ nhau
để lại chán chường:
Một mùa thu đã vô thường
Hôm qua.

Chờ đợi hay hoài vọng vào bất cứ thứ gì ở đời cũng đều là dọn đường cho một nỗi chán chường, ngán ngẩm. Nó không đến hay khi đến không còn như ta nghĩ, hoặc ta lúc này không còn sẳn sàng để đón nhận nó nữa. Tới đâu hay tới đó, nói nghe bạc mà chắc ăn hơn. Chuyện đời như con nước trôi, chuyện Khắc Dấu Mạn Thuyền dẫu có nghe thêm nghìn lần thì người đời cứ cố lãng quên để được sống dại khờ. Và hình như người nào hiểu chuyện cũng đều nói vậy khi bàn tay đã sắp bắt cánh chuồn:

In earth and sky
No grain of dust
Snow on the foothills.
(Chirin, mất năm 1794, thọ 60 tuổi)

Rỗng không
một cõi đất trời
có chăng
một tí tuyết rơi
chân đồi.

Child of the way
I leave at last
The willow on the other shore.
(Benseki, mất năm 1728, thọ 80 tuổi)

Rồi như thằng bé
trên đường
Ta đi
bỏ lại cội dương
bến này.

Nori No Chigo trong tiếng Nhật còn có thể hiểu là đứa bé trong đạo học, như chính tác giả vào lúc cuối đời cũng đã chọn cho mình cái ngoại hiệu là Honi (Pháp Nhi). Ông khiêm tốn tự nhận mình lâu nay vẫn chỉ là một đứa bé tung tăng trong cửa Phật, sở chứng chẳng có gì đáng nói. Giờ thì đứa bé đó phải đi xa, bỏ lại bờ bến cũ có cội liễu ngày nào vẫn đùa chơi ở đó.
Sadly I see
The light fade on my palm:
A firefly.
(Kyorai, mất năm 1704)

Ngồi buồn
Ngó xuống bàn tay
một con đóm nhỏ
đang bay lập lòe.

Sinh mệnh của người thơ cũng đang leo lét mong manh như vệt sáng nhỏ nhoi trên mình con đom đóm. Nhìn thấy cái bé tẹo vô nghĩa của phận người, nỗi chết không còn là cái gì kinh khiếp nữa. Nó chỉ là sự tắt ngúm của một đóm lửa li ti.

Six and sixty
Setting sail in tranquil water
Breeze among the lotus.
(Usei, mất năm 1764, thọ 66 tuổi)

Sáu mươi sáu tuổi
Giong thuyền
Qua hồ sen tạnh
về miền trăm năm.

Đọc bài thơ, tôi cứ bồn chồn thật lạ. Sao ai cũng có thể ra đi ngoạn mục đến vậy, khi đến tận giờ tôi vẫn rùng mình mỗi lần nghĩ về cái chết của mình mai này. Nhiều lúc không mong có bạn sống cùng, mà chỉ mong tìm thấy một người có thể giúp mình có được phút ra đi cho thanh thản.

Tôi mua cuốn Japanese Death Poems của Yoel Hoffmann  từ giữa năm 2008, những đêm khó ngủ lấy ra đọc chơi vài trang rồi nếu cao hứng thì dịch chơi vài câu. Ngôn phong từ đó cũng rời rạc theo từng giai đoạn tâm cảm. Những tưởng có lẽ sẽ lâu lắm mời có dịp sưu lục mấy cái note  bút chì đó để ghép với bài Bình Thơ Haiku đã viết mấy năm trước cho thành một tập di cảo cuối đời, ai ngờ hôm nay lại phải đem ra xài rồi. Cơ duyên gì ư?

Sáng mùng một tết Kỷ Sửu nghe tin một người ơn cũ bên nhà đang hấp hối, tôi giật mình bàng hoàng. Sao chẳng lựa trước hay sau tết, mà cứ nhằm ngày đầu năm mà xảy ra chuyện  kiểu này. Mùng một tết Đinh Hợi nghe tin cô Bảy Vĩnh Phúc ra đi, mùng một tết năm Kỷ Sửu lại nghe tin cô Ba Lộc An muốn giũ áo. Kiểu này mai kia cứ giáp tết là phải hồi hộp rồi. Nói không mê tín cũng thiệt là khó.  Lưu lạc đã đúng 10 năm, nếu kể đạo nghiệp thì càng thêm thẹn với ân nhân ngày trước đã từng kỳ vọng. Thôi thì đành mượn mấy trang bút khảo vẩn vơ này làm chút quà xuân gửi về quê nhà trước khi quá muộn.

 Vài ghi chú trong bài viết là y cứ phần chú giải của Yoel Hoffmann. Ai muốn đọc cho đã, xin tìm giùm cuốn Japanese Death Poems của ông rà soát lại. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho người bệnh có ở lại thì sớm kiện khang, có ra đi thì cũng nhẹ nhàng đủ để viết lại cho đời một bài Từ Thế Cú kiểu Việt Nam. Mong lắm thay!
Megahut, mùng 2 Tết Kỷ Sửu
Toại Khanh Cẩn Bút

TẢN MẠN TÂM TƯ