HÓA CỐT

Tivi rồi internet mấy hôm nay dồn dập liên tiếp những tin tức về chuyện người Việt trong và ngoài nước biểu tình. Mỗi nơi biểu tình vì những chuyện khác nhau, nhưng nổi bật vẫn là chuyện lần đầu tiên sau nhiều năm tại VN có chuyện biểu tình. Và điều đáng nói là mấy cuộc biểu tình trong nước tuy  ngó như có động cơ khác nhau, nhưng thật ra lại có một mối tương quan khắng khít đến kỳ lạ.
Trước hết, người ta bất chấp cả chuyện tù tội để biểu tình nhằm đòi lại đất đai, và mới  một hai hôm nay thì có thêm mục biểu tình phản đối Trung Quốc về  vụ mấy hòn đảo ngoài Đông Hải. Tôi đọc báo về mấy cuộc biểu tình đó rồi tự nhiên thấm thía một chuyện thiệt ngộ. Một bên là những cuộc biểu tình bị nghiêm cấm vẫn được người ta bán mạng thực hiện, và một bên là những cuộc biểu tình do nhà nước ngầm khích lệ thì có vẻ như không sẵn sàng kéo dài lâu bền cho lắm. Ầm ĩ đấy, nhưng ngó kỹ, hình như thiếu lửa!
Khi chuyện áp bức hay hà khắc gì đó đè nặng toàn thể quốc dân thì ai cũng dễ dàng cúi đầu chấp nhận, vì thiên hạ nghĩ đó là mệnh trời hay vận nước và như vậy thì ai lại nghĩ đến chuyện liều mạng lên tiếng hay quật khởi gì ấy làm chi. Bởi đó là chuyện chung mà. Ngu dại chi một mình phản kháng rồi mọt gông trong cô đơn. Từ đó, bao chuyện bạo chính có diễn ra mấy chục năm cũng không sao, thậm chí thiên hạ quen dần với mọi sự trái khoáy nghiệt ngã nhất, chỉ vì họ chưa thấy “cái tôi” của mình bị tấn công trực tiếp. Họ tiếp tục với giấc ngủ đầy mộng mị của mình. Thế rồi khi cái nhà, miếng đất của người ta bị mất đi, thiên hạ mới sực tỉnh. Lúc này ta mới thấy rõ, trong tâm khảm phần lớn thiên hạ đất nhà quan trọng hơn nước nhà. Cái nào gắn liền với buồng tim, khúc ruột của người ta thì người ta mới chịu quan tâm hết mình. Từ đó, tôi ngờ rằng trong lòng thiên hạ không phải lúc nào nợ nước cũng lớn hơn thù nhà.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến vài chuyện vặt. Chỉ trong non mười năm sống tại Mỹ, tôi đã nghe khoảng chục người nói với tôi cái mẹo học tiếng Mỹ mà theo họ là thần tốc  và hiệu quả nhất chính là tìm dịp sống gần người Mỹ càng nhiều càng tốt và trên hết là … yêu tha thiết một ai đó là dân Mỹ chính công. Những người đó có một giải thích giống hệt nhau: Khi thương người ta thì tự nhiên phải ráng hiểu người ta muốn nói gì, kể cả hơi thở của họ mình cũng không bỏ sót. Thế là giỏi. Bao giờ tôi cũng bật cười trước mấy tiết lộ đó, nhưng tự thâm tâm vẫn lén đồng tình. Khi mình gắn bó sinh tử với cái gì thì tự nhiên sẽ sống chết với nó ngay. Chuyện đơn giản thôi. Từ đó, quyền lợi của một quốc gia hay cả dân tộc nhiều khi còn nhỏ hơn tiếng cười của cậu út trong nhà mình. Chuyện tu hành hình như cũng vậy. Bao nhiêu kinh điển, giáo sử, rồi tăng ni Phật tử trùng điệp lắm lúc không đủ sức đẩy mình đi tới trong cuộc tu. Bởi còn thấy cái quan tài nằm ở trại hòm thì vẫn chưa khá được, người tu hành phải thấy nó lồ lộ ngay trước mắt mình trong từng phút thì họ mới chịu nhấn ga phi nước đại.
Và chuyện thứ hai. Hồi nào còn bé, ai trong chúng ta cũng tưởng rằng trên đời này chỉ có người trong gia đình mình là đối tượng số một để mà xa thì nhớ và ở thì thương. Nhưng rồi ngày trưởng thành, chuyện không còn như vậy nữa. Ai gắn bó đời mình nhiều nhất, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của mình sâu đậm nhất, dù đó là một người dưng, cũng hoàn toàn có thể chiếm lĩnh tim ta, tình ta và đời ta. Tình máu mủ lúc này thật ra vẫn còn đó, nhưng có thể nó chỉ là vấn đề lý lẽ, đó là chưa kể đến trường hợp nó đem lại cho ta những áp lực tâm lý tai hại. Ai không tin lời tôi, xin cứ để ý mấy người có gia đình thì biết. Một người đàn bà hay đàn ông lạ hoắc nào đó vừa bước vào nhà ta vài hôm đã đủ xóa sạch bao thứ tình huynh nghĩa đệ máu mủ trước đó ngay. Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ, nhưng đã là ngoại lệ thì không có nhiều. Thế là, càng đi xa vào đời, người ta càng có khuynh hướng tìm về những vòng tay kẻ lạ. Miễn là…
Rồi chuyện thứ ba. Tôi biết nhiều người Việt Nam yêu nước ghê gớm, chỉ cần không đứng trên đất Việt Nam thì họ sẵn sàng tham dự tất cả những cuộc biểu tình nào nhắm đến quyền lợi của dân tộc, đất nước. (Lý do là Việt Nam ta đến nay vẫn chưa quen được chuyện biểu tình). Ấy vậy mà những kẻ yêu nước đó lại rất lờ mờ về sử Việt, thơ Việt và chẳng khoái du lịch hay thậm chí chụp ảnh nước Việt. Trong khi đó, họ luôn gọi Trung Quốc là Tàu một cách ác cảm, nhưng lại thuộc rất nhiều thơ văn Tàu, chỉ uống trà Tàu, thường du lịch Tàu, mua sắm đồ Tàu, coi phim Tàu. Đại khái gì cũng Tàu, đến mức cứ sợ chết rồi sanh lại làm người Tàu. Lý do ư? Nghe họ giải thích rồi ai cũng đành phì cười thông cảm. Này nhé, món văn hóa nghệ thuật nào của Tàu cũng chui thẳng vào tim mình mà ngự, và một khi chúng đã trở thành máu me trong người mình rồi thì làm sao mà dứt áo phủi tay đây. Mình chống cái bá quyền Đại Hán của Tàu chứ đâu có chống cái hay của Tàu. Thôi đành xin lỗi người mình vậy.
Nói vậy có nghĩa là thứ gì trên đời này cũng đều có thể khiến ta sống chết với nó, một khi nó đã là một nhu cầu thiết yếu. Đắng như thuốc Bắc, mặn như muối cục, đau như kim chích thuốc, ta chấp nhận hết. Nói gì là những thứ ngọt ngào. Miễn sao nó là một phần đời của mình thì xong ngay. Trộm nghĩ, đó cũng chính là lời giải thích vì sao có những tăng sĩ dám một mình vào rừng lên núi làm bần tăng khổ sãi, chẳng phải để tìm Động Hoa Vàng mắc toi nào cả, mà là một cứu cánh giải thoát. Họ bất chấp mãnh thú độc trùng, lam sơn chướng khí, chỉ vì đại nguyện một ngày tung cánh hạc tếch khỏi cõi trầm luân.
Nói thiệt, nếu bây giờ muốn xúi ai dấn thân xã hội, nhập cuộc chính trường, hoạt động văn hóa hay tu học Phật pháp, tôi cũng sẽ đem “cái tôi” của người ta treo lủng lẳng trước mặt họ thì mới hi vọng ho chịu thí mạng hành sự. Đó không phải là củ cà-rốt treo đầu gậy, mà là giọt nước cho người khát nước.
Mượn chút chuyện đời để lạm bàn chuyện đạo với chút thiện chí của một người không biết làm gì hơn, tôi vẫn mong có một ngày thiên hạ đi xa thêm một bước trong cả chuyện đạo lẫn chuyện đời để thấy rằng chuyện của chung cũng là chuyện của mình. Chung và riêng vốn không có ranh giới. Chừng đó không cần phải mượn gạo nấu cơm nữa. Không cứ phải đem treo cái quyền lợi cá nhân lên trước mắt mới chịu hành động hết mình. Bởi rõ rằng trong thiên hạ kia rõ ràng có cả mình và mình đây thực ra cũng là một phần trong cái gọi là thiên hạ ấy mà. Mong thay.
Toại Khanh
(Chuyện Phiếm Thầy Tu - 2014)

TẢN MẠN TÂM TƯ