CÁC LOẠI NGHIỆP

1. Thường nghiệp: là những gì mình làm hoài.

2. Trọng nghiệp: những nghiệp quan trọng ấn tượng sâu sắc trong lòng mình.
  Sở dĩ quan trọng là vì 3 yếu tố: (1) đối tượng, (2) nội tâm người làm, (3) tác dụng công việc.

3. Khinh thiểu nghiệp: nghiệp thiện ác làm lai rai chút đỉnh.
Ví dụ như đang lái xe ngừng đèn đỏ, thấy có người xin tiền, móc ra 2 đô cho, rồi đi tiếp, một năm làm được 3 lần; hoặc lâu lâu hùn phước gì đó.
Người không tu Tứ Niệm Xứ không tin và không biết chuyện này, tại sao có những ngày thức dậy mình thấy vui vẻ, khỏe khoắn, thấy ai cũng đẹp ai cũng dễ thương. Đó là do phước của nghiệp thiện quá khứ nhằm ngay bữa đó trổ. Ngồi thiền vừa bắt cái chân vô niệm cái rẹt là thấy thành tựu như ý, chánh niệm đầy đủ, thân thọ tâm pháp đều thông suốt, niệm thân thọ tâm pháp gì mọi thứ cũng rõ ràng, biết rõ. Nhưng có bữa ngủ dậy tự nhiên bực mình dù không ai chọc ghẹo, nhìn cái gì cũng không thấy vừa ý, người ta dọn bữa điểm tâm cho mình không muốn ăn, mình mẩy thì rêm nhức, ngồi thiền không xong, vô lễ Phật thì cái tâm cũng không được suông, đó là do bữa đó ác nghiệp trổ.
Trong một ngày 24 giờ, trừ ra lúc mình ngủ, phần lớn thời gian còn lại đều là tâm tầm bậy. Khi tâm xấu nhiều thì quả xấu cũng nhiều theo. May là bây giờ biết đạo mà tâm xấu vẫn nhiều hơn tâm thiện, điều đó cho thấy trong quá khứ của mình tâm thiện quá ít so với tâm xấu. Chính từ đó suy ra, hễ tâm xấu nhiều bao nhiêu thì quả xấu mình gặt cũng nhiều bấy nhiêu. Chính vì đó đừng coi thường những cái khinh thiểu nghiệp. Suốt một ngày tâm ác mình nhiều lắm, phải có gan nhìn nhận điều đó.

4. Cận tử nghiệp là những nghiệp thiện ác được thực hiện lúc mình đang hấp hối, lâm chung.
Trong kinh ghi, trong các loại nghiệp đó mỗi nghiệp có một sức mạnh riêng. Ví dụ đối với người sắp chết thì cận tử nghiệp rất quan trọng. Lúc cận tử mà không có làm cái nghiệp gì nổi bật, thì lúc đó trọng nghiệp (trong mấy chục năm trước) sẽ đóng vai trò tiếp theo. Nếu không có trọng nghiệp đặc biệt thì thường nghiệp sẽ nhảy vô đưa mình đi. Nếu không có thường nghiệp thì mới đến phiên loại nghiệp thứ tư là khinh thiểu nghiệp.

Trường hợp nào khinh thiểu nghiệp được phát huy tác dụng? Đó là khi người chết được hộ niệm (Ở đây phải nói rõ là theo Nam Tông, chỉ có với người cận tử chứ không có kẻ chết rồi). Phật tử VN mình đa phần là chết rồi lạnh ngắt cũng tụng luôn. Trong kinh điển Pali mười sáu ngàn trang không hề có trang nào nói rằng Đức Phật và chư tăng cùng nhau đứng quay quần xúm xít bên cạnh cái xác lạnh ngắt để thuyết pháp và tụng kinh mà chỉ đến thăm bệnh và trợ niệm cho người đang hấp hối, khi đương sự còn có thể nghe được và hiểu được.
Bình thường má mình không thích thầy chùa, lúc má hấp hối mà hai chị em mình rước thầy, mình thì cứ ‘sadhu’ mà không biết rằng má mình đang nổi điên mà không nói ra được. Thầy khác thì tôi không biết, còn với tôi thì tôi sẽ hỏi lúc sống có khoái “cái đám không tóc” hay không, nếu không thì làm ơn đi xa xa giùm chứ người ta đang thênh thang đường mây mà cái đám này vô là nổi điên lên á.
Cách đây mới mấy bữa, người ta cho tôi coi cái clip livestream đứa em gái đang trợ niệm cho người chị hấp hối. Người chị thì tay bắt cánh chuồn rồi, đôi mắt thì thất thần rồi mà đứa em thì cứ “quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng”. Tôi bảo đừng có ép người ta đọc theo mà mình đọc cho người ta nghe. Hỏi người ta có muốn nghe không, nếu muốn thì nháy hai cái, không muốn thì nháy một cái, còn không nháy nổi thì để yên cho người ta đi cho rồi. Hộ niệm là phải có kinh nghiệm, chứ còn thông thường mình giúp người ta theo cách mình muốn mà không quan tâm chuyện người ta muốn, có khi lúc đó họ ngáp ngáp mà tức muốn điên luôn. Có câu chuyện một anh chàng chết làm A-tu-la về đứng đầu giường khóc ri ri. Đứa em nói, em đã hết cách, chư tăng tụng kinh cho anh, em xúi anh niệm Phật mà sao anh chết làm A-tu-la? A-tu-la nói: Trời ơi, anh dắt em vào đạo mà, em biết anh thích nghe pháp quí chư tăng, biết em thương anh, nhưng mà anh chết rồi làm A-tu-la vì lúc đó em quỳ cái đầu gối em lên bàn tay của anh, anh nháy hoài em không xích ra, anh bị đọa vì cái đầu gối của em…. Chuyện này chỉ là chuyện vui thôi chứ không có thật; nhưng chuyện có thật là người hộ niệm không biết cách đã làm cho người được hộ niệm ra đi trong tức tưởi và đau đớn. Tôi nhìn mấy đám ngộ lắm, bà má mấy ngày nay không ăn, thở không ra hơi, mà mình đổ sâm, cần thở mà không thở được, muốn lấy hơi để thở mà mình cứ nhè nước đổ vô, tức tưởi như vậy chết làm sao siêu nổi. Nên nhớ tâm người hấp hối như đèn treo trước gió, như kẻ chết đuối đang quơ quào tìm cái phao, lúc đó mình liệng cái gì thì họ chụp cái đó, nếu mình liệng cái tào lao thì tội người ta.
Lúc bình thường không nói chuyện với người nhà, tới lúc ngáp ngáp mà con cái đối xử như vậy thì đừng trách. Có con thì phải dạy cho con về cả tinh thần và tri kiến chứ thương con không chỉ để lại tài sản. Bên Tàu có câu rất hay: Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc, mạc vị nhi tôn tác mã ngưu (Cháu con có phúc cháu con, chớ vì con cháu mà làm ngựa trâu). Câu này rất là Phật pháp, nghĩa là thương con thương vợ thương chồng thì phải làm trách nhiệm nhưng không vì họ mà làm trâu làm ngựa. Nên nhớ chúng ta như một bầy chim cứ chiều thì gom về ổ, sáng mai mặt trời dậy bắt đầu một ngày mới mỗi đứa một hướng bay. Cơ hội làm người đã khó, cơ hội gặp lại nhau càng khó hơn. Trong kinh nói gặp lại nhau phải có tứ đồng: Đức tin, bố thí, giới hạnh và trí tuệ. Bốn điều này mà giống nhau thì cơ hội gặp lại nhau mới lớn, nếu thương nhau bao nhiêu đi nữa mà khác nhau 4 điều này thì cơ hội gặp nhau rất khó, gặp nhau như Trương chi Mỵ Nương thì gặp nhau làm gì, hoặc trầy trật như Chử Đồng Tử và Kim Dung, hoặc như Trọng Thủy với Mỵ Châu, Kiều Phong với A Châu, như tui với.. Sydney!!

Trích: Pháp thoại " Bốn Loại Nghiệp - Vũ Trụ & Con Người Theo Giáo Lý A Tỳ Đàm" (Trưa chủ nhật, 03/03/2019)"
Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng tại Sydney Burmese Buddhist Vihara Thứ tư, 03 - 03 - 2019

TẢN MẠN TÂM TƯ